PMS: Định hướng bảo dưỡng sửa chữa công trình dầu khí
Với nỗ lực và quyết tâm cao nhất, Công ty CP Bảo dưỡng và Sửa chữa Công trình Dầu khí (PMS), thành viên trực thuộc Tổng Công ty Công nghệ Năng lượng Dầu khí (PV EIC) đã và đang có những bước tiến vượt bậc trong hoạt động bảo dưỡng sửa chữa (BDSC) các công trình dầu khí.

PV EIC/PMS đã khẳng định sức mạnh nội lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí Việt Nam.

Chiến lược phát triển ngành Dầu khí đến năm 2015, hướng tới 2025 của PVN khẳng định, một trong những nhiệm vụ then chốt là đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, có thể tiến hành BDSC từng phần, hướng tới BDSC toàn bộ cho các nhà máy, công trình dầu khí. Việc PVN ra Nghị quyết số 11749/NQ-DKVN về việc “Thông qua định hướng phát triển dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy, công trình của PVN tới năm 2015” ngày 23/12/2010 và Nghị quyết số 3685/NQ-DKVN về việc “Thông qua Đề án phát triển dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy, công trình trong lĩnh vực chế biến dầu khí của PVN giai đoạn 2011-2015” ngày 27/4/2011 đã khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển hoạt động BDSC các công trình Dầu khí của PVN.

Cán bộ kỹ thuật của PV EIC/PMS làm nhiệm vụ BDSC tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Theo đó, PV EIC/PMS có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ BDSC cho tất cả các công trình hạ nguồn dầu khí. Cụ thể, đối với các nhà máy đã và đang vận hành, PV EIC/PMS sẽ thực hiện công tác BDSC định kỳ và BDSC tổng thể, đối với các nhà máy sắp đưa vào vận hành, PV EIC/PMS cung cấp toàn bộ công tác BDSC.

Mặc dù đây là một lĩnh vực khá mới mẻ, lại đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng với tinh thần quyết tâm cao nhất, toàn thể cán bộ, công nhân viên của PV EIC/PMS luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân và bước đầu đã đáp ứng được sự tin tưởng, kỳ vọng của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí nói chung và của khách hàng nói riêng. Bên cạnh việc cung cấp một số dịch vụ BDSC cho công tác sửa chữa lớn năm 2011 cho các đơn vị thành viên của Tập đoàn như Nhà máy Đạm Phú Mỹ… PV EIC/PMS luôn nỗ lực tìm hiểu khai thác cung cấp dịch vụ BDSC cho các khách hàng khác ngoài ngành như: Vietsovpetro, Công ty Đại Hùng, JOC Cửu Long, Nhà máy Nhựa Phú Mỹ, Nhà máy Hóa lỏng Phú Mỹ…

Thực hiện Đề án BDSC, PV EIC/PMS đã chủ động tổ chức thảo luận về công tác cung cấp dịch vụ BDSC cho các nhà máy và đã ký các Hợp đồng nguyên tắc dài hạn và Hợp đồng kinh tế về việc cung cấp dịch vụ BDSC cho các Nhà máy Nhiên liệu Sinh học Dung Quất với Công ty CP Nhiên liệu Sinh học miền Trung (BSR-BF); Hợp đồng nguyên tắc về việc Cung cấp dịch vụ BDSC cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ với Tổng Công ty CP Phân bón Hóa chất Dầu khí (PVFCCo); Hợp đồng cung cấp dịch vụ vận hành và sửa chữa (O&M) cho Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ với Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX); Hợp đồng cung cấp dịch vụ vận hành chạy thử (Precom & Com) cho Nhà máy Nhiên liệu Sinh học Phú Thọ (PVB).

Đáng chú ý, vừa qua, tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV EIC đã ký hợp đồng nguyên tắc 5 năm về việc cung cấp dịch vụ Bảo dưỡng sửa chữa cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với Công ty TNHH MTV Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR). Đây là một thành quả đầy khích lệ trong việc thực hiện Đề án BDSC của PVN, là cơ sở tiền đề để PMS mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và đánh giá sự hỗ trợ vô cùng to lớn của đơn vị chủ quản các Nhà máy cũng như các đơn vị bạn trong ngành.

Và để hoàn thành các hợp đồng nói trên, ông Trần Văn Lượng, Giám đốc PMS cho biết: “Hiện nay, Công ty PMS đã và đang huy động nhân sự làm việc tại 3 Khu vực miền Trung, miền Nam và miền Bắc theo dõi quá trình vận hành của các nhà máy, tìm hiểu kế hoạch BDSC hàng năm của họ. Đồng thời tìm hiểu tài liệu kỹ thuật của các nhà cung cấp thiết bị, tăng cường làm việc với các nhà cung cấp thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế, ký thỏa thuận hợp tác với đối tác chuyên nghiệp nước ngoài lập các quy trình BDSC, tổ chức tuyển dụng đội ngũ cán bộ kỹ sư chuyên sâu các chuyên ngành điện, cơ khí, tự động hóa… nhằm chuẩn bị nguồn lực tốt nhất đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng”.

PV EIC/PMS xác định:

Thứ nhất, chuẩn hóa lực lượng nhân sự, tăng cường công tác tổ chức, tuyển dụng và đào tạo đội ngũ cán bộ BDSC chuyên nghiệp, bao gồm cán bộ quản lý chuyên nghiệp, kỹ sư có chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm và thợ có tay nghề, bậc thợ cao… phù hợp với nhu cầu thực tế và yêu cầu của từng bộ phận BDSC. Thu hút các nhân sự, đặc biệt công nhân bậc cao của các đơn vị khác trong ngành theo chuẩn hóa của ngành Dầu khí. Lập kế hoạch thuê chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm nhằm tư vấn thiết lập quy trình quản lý, lập kế hoạch và triển khai thực hiện công tác BDSC. Tăng cường công tác đào tạo phù hợp với đặc thù BDSC. Cử một số nhân sự chủ chốt của các bộ phận đi đào tạo trong nước và nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm quản lý, lập kế hoạch và triển khai thực hiện BDSC và tham khảo một số mô hình quản lý BDSC của các tập đoàn chuyên nghiệp, nhằm từng bước thay thế các chuyên gia nước ngoài, đem lại hiệu quả kinh doanh.

Thứ hai, triển khai và hoàn thành công tác đầu tư cơ sở hạ tầng nhà xưởng máy móc thiết bị, dụng cụ BDSC nhằm đảm bảo yêu cầu công việc của khách hàng: Tăng cường xây dựng xưởng cơ khí bảo dưỡng tại khu vực lân cận các nhà máy để kịp thời cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Khảo sát đánh giá nguồn lực BDSC trong nước, trong và ngoài ngành, tìm hiểu tiềm năng thiết bị tại các đơn vị và đàm phán ký kết hợp đồng thuê máy móc thiết bị nhằm khai thác tối đa nguồn trang thiết bị tại các nhà máy mà Tập đoàn đã đầu tư. Đồng thời lập kế hoạch, đẩy mạnh đầu tư các trang thiết bị đặc chủng và có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng chưa được các đơn vị đầu tư để phục vụ công tác BDSC. Định hướng cho việc đầu tư công nghệ phục hồi thiết bị và tăng cường thiết bị kiểm tra với công nghệ hiện đại nhằm tối ưu hóa công tác BDSC, tham gia vào việc đánh giá tuổi thọ còn lại của thiết bị.

Thứ ba, tăng cường tìm kiếm, hợp tác với các đối tác kinh nghiệm nước ngoài trong lĩnh vực bảo dưỡng BDSC nhằm hợp tác tham gia cung cấp dịch vụ sửa chữa lâu dài các công trình dầu khí.

(Theo Petrotimes)