Nhiệt điện Thái Bình: Cơ hội phát triển đồng bằng sông Hồng
Vừa qua, tại Trung tâm điện lực (TTĐL) Thái Bình đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy chính của Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình. Đây là điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế của Thái Bình và khu vực đồng bằng sông Hồng.

Khởi công Nhà máy nhiệt điện Thái Bình

Vốn là tỉnh thuần nông, nhưng những năm gần đây, Thái Bình đã có những bước phát triển đột phá về công nghiệp với việc khởi công hàng loạt dự án lớn mang tầm cỡ quốc gia. Điển hình là Dự án xây dựng TTĐL Thái Bình ở xã Mỹ Lộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

TTĐL Thái Bình có tổng công suất 1.800 MW, bao gồm 2 nhà máy: Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình (công suất 600MW) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, NMNĐ Thái Bình 2 (công suất 1.200MW) do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư. Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí là tổng thầu xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung cho cả 2 nhà máy.

Theo kế hoạch, NMNĐ Thái Bình 2 sẽ vận hành trong năm 2014. Tổ máy 1 NMNĐ Thái Bình sẽ vận hành vào quý IV/2017 và tổ máy 2 vận hành vào quý II/2018. Như vậy, chỉ sau mấy năm nữa, TTĐL Thái Bình đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, đóng góp cho ngân sách tỉnh hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, đồng thời, đóng góp một lượng công suất đáng kể cho hệ thống điện quốc gia, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thái Bình và  khu vực đồng bằng sông Hồng, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho vận hành hệ thống điện, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt.

Ông Phạm Văn Sinh - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - cho biết: Khi đi vào vận hành, Dự án TTĐL Thái Bình sẽ tạo bước đột phá cho phát triển công nghiệp, đáp ứng một phần không nhỏ nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện. Đặc biệt, TTĐL Thái Bình sẽ cùng các dự án khác trên địa bàn như: Nhà máy sản xuất Amôn Nitơrat; Hệ thống đưa khí mỏ ngoài vịnh Bắc bộ vào bờ, Dự án Khai thác bể than đồng bằng sông Hồng hình thành một tổ hợp các dự án công nghiệp lớn tầm cỡ quốc gia. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, kinh tế biển và đảm bảo quốc phòng - an ninh của Thái Bình và các tỉnh lân cận.

Cũng theo ông Sinh, tỉnh Thái Bình cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho việc giải phóng mặt bằng, thi công công trình, bảo đảm tiến độ thời gian và chất lượng công trình. Hiện nay, tỉnh đã lập đề án an sinh của các huyện, xã chịu ảnh hưởng của dự án.

Đặc biệt, Thái Bình đang tích cực triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Mỹ Xuyên nhằm tạo việc làm ổn định cho lao động của xã Mỹ Lộc và các vùng lân cận. Xây dựng phương án chuyển nghề cho nông dân theo hướng lâu dài; kêu gọi các nhà đầu tư vào cụm công nghiệp nhưng phải đảm bảo yếu tố môi trường. Tỉnh cũng chỉ đạo các bên liên quan thống nhất hướng tuyến hệ thống cấp nước, quy hoạch đập chắn nước Trà Lý cung cấp nước ngọt cho nhà máy, triển khai dự án đường 39B, dự án đường ven biển và một số dự án quan trọng khác, nhằm tạo sự phát triển cho Thái Bình nói riêng và cả vùng đồng bằng sông Hồng nói chung.

Ngọc Loan

(Theo Công Thương)