Kỷ niệm 50 năm thành lập Petrovietnam (1975 - 2025):

Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 3: Những “cỗ máy thép” vẫn bền bỉ vận hành sau hơn nửa thế kỷ
0:00 /
Chọn Giọng
  • Nữ Miền Bắc
  • Nam Miền Bắc
  • Nam Miền Nam
  • Nữ Miền Nam
Giữa không gian thoáng đãng, rợp bóng cây của Khu lưu niệm Dầu khí - nơi lưu giữ ký ức về những ngày đầu tiên hình thành ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam - có một khu vực rất đặc biệt: khu trưng bày thiết bị thi công giếng khoan. Tại đây, những “cỗ máy thép” được sản xuất tại Liên Xô, đưa về Việt Nam từ năm 1970 - vẫn sừng sững như những "chiến binh" kỳ cựu, mang dấu tích của thời gian và cả sự bền bỉ đáng kinh ngạc. Điều đặc biệt, sau hơn nửa thế kỷ, những thiết bị này không chỉ được gìn giữ như hiện vật bảo tàng, mà vẫn có thể vận hành trong những tình huống cần thiết.

Đó là các thiết bị như xe khoan A50, xe tời địa vật lý, xe bơm trám xi măng IIA-320, máy nén khí YKII-80... Tất cả đều đã từng sát cánh trong các chiến dịch khoan mở vỉa, sửa chữa giếng, đo địa vật lý, xử lý áp lực và thử kín giếng khoan, từ những ngày đầu tiên Việt Nam đặt nền móng cho ngành công nghiệp dầu khí. Những cỗ máy này là minh chứng sống động cho một thời kỳ hợp tác kỹ thuật sâu rộng giữa Việt Nam và Liên Xô.

Những năm 1980, xe khoan A50, xe bơm IIA-320, xe tời địa vật lý và máy nén khí YKII-80 được điều chuyển về Tiền Hải hỗ trợ khai thác khí mỏ Tiền Hải, đồng thời phục vụ công tác sửa giếng, mở vỉa và dọn mỏ sau này.

Những năm 1980, các thiết bị như xe khoan A50, xe bơm IIA-320, xe tời địa vật lý và máy nén khí YKII-80 được điều chuyển từ các giếng khoan ở Giao Thủy, Xuân Thủy, Hải Hậu (tỉnh Nam Định cũ) về Tiền Hải (tỉnh Thái Bình cũ, nay là tỉnh Hưng Yên), hỗ trợ khai thác khí mỏ Tiền Hải, đồng thời phục vụ công tác sửa giếng, mở vỉa và dọn mỏ sau này.

Đặc biệt, trong đợt thu dọn công trình dầu khí tại mỏ Tiền Hải C, cấu tạo Đông quan D, D14 và Đông Hoàng vừa qua (kéo dài hơn 200 ngày liên tục), những thiết bị này vẫn đảm bảo vận hành an toàn, tham gia kéo thả bộ ống khai thác sâu tới 2.000 m, tải trọng gần 25 tấn, cũng như bơm đặt nút xi măng đến độ sâu 2.000 m. Sự bền bỉ ấy là minh chứng rõ nét cho chất lượng thiết bị và tay nghề bảo dưỡng của các thế hệ kỹ sư dầu khí Việt Nam.

Xe khoan A50 được xem là thiết bị chủ lực trong các chiến dịch khoan tại Tiền Hải trong suốt giai đoạn 1970-1990.

Xe khoan A50 được xem là thiết bị chủ lực trong các chiến dịch khoan tại Tiền Hải trong suốt giai đoạn 1970-1990. Xe được thiết kế để nâng, thả bộ cần khoan có tải trọng lên tới 50 tấn, có thể làm việc ở những giếng có chiều sâu đến 3.500 m. Trên thực tế, khi xe khoan A50 kết hợp cùng các thiết bị phụ trợ như xe bơm xi măng, đã góp phần khoan thành công nhiều giếng có độ sâu từ 1.000 - 1.200 m, phù hợp với đặc điểm địa chất vùng đồng bằng sông Hồng.

Từ vòng quay của roto khoan, chuyển động được truyền qua bộ cần đến choòng khoan, giúp mũi khoan từng bước xuyên sâu vào lòng đất. Đồng thời, hai xe bơm IIA-320 đảm nhiệm vai trò bơm tuần hoàn dung dịch khoan, đưa mùn khoan lên bề mặt. Sự phối hợp nhịp nhàng của các thiết bị này đã góp phần tạo nên những giếng khoan đầu tiên, mang dòng sản phẩm dầu khí phục vụ cho khu công nghiệp Tiền Hải.

Xe bơm IIA-320 được trang bị hệ thống bơm áp lực cao lên tới 320 at. Ngoài chức năng bơm tuần hoàn dung dịch trong quá trình khoan, thiết bị này còn đảm nhiệm vai trò bơm trám xi măng các lớp ống chống sau khi khoan, nhằm đảm bảo độ kín khí và an toàn áp suất cho giếng khoan.

Xe bơm IIA-320 được trang bị hệ thống bơm áp lực cao lên tới 320 at. Ngoài chức năng bơm tuần hoàn dung dịch trong quá trình khoan và bơm trám xi măng các lớp ống chống nhằm đảm bảo độ kín khí, an toàn áp lực và tránh lẫn lộn giữa các tầng chứa, thiết bị này còn thực hiện chức năng thử độ kín của giếng và đường ống dẫn, đồng thời hỗ trợ hiệu quả công tác gọi dòng, mở vỉa đối với các giếng khoan có chiều sâu trên 1.200 m.

Trong chiến dịch thu dọn công trình dầu khí tại mỏ Tiền Hải C, cấu tạo Đông Quan D, D14 và Đông Hoàng, hệ thống bơm của xe IIA-320 vẫn hoạt động ổn định ở mức 50-60% công suất thiết kế. Thiết bị đã đảm nhiệm hiệu quả các công đoạn bơm dung dịch dập giếng, tuần hoàn dung dịch và đặt cầu xi măng ở độ sâu tới 2.000 m.

Khác với xe khoan và xe bơm, xe tời địa vật lý không trực tiếp tham gia vào quá trình khoan, mà đảm nhiệm vai trò đo đạc, phân tích. Đây là thiết bị đặc biệt, dùng để thả và kéo các máy đo địa vật lý như điện trở suất, nhiệt độ, áp suất, lưu lượng… xuống giếng khoan. Các thiết bị đo được nối với cáp chuyên dụng, truyền tín hiệu về mặt đất thông qua hệ thống điện trên xe.

Xe tời địa vật lý có mặt trong hầu hết các chiến dịch đo khảo sát, đóng vai trò quan trọng trong việc xác định chính xác tầng chứa khí, cấu trúc địa chất, vị trí đặt cầu xi măng...
Ngay từ những năm 1980, xe tời địa vật lý đã có mặt trong hầu hết các chiến dịch đo khảo sát tại Tiền Hải. Nhờ thiết bị này, các kỹ sư có thể xác định chính xác tầng chứa khí, cấu trúc địa chất, vị trí đặt cầu xi măng, quyết định hướng khoan tiếp theo. Khi dữ liệu còn được in ra giấy bằng bút vẽ cơ học, các kỹ sư Việt Nam đã học cách phân tích tín hiệu, xác định mỏ khí, từ đó đưa ra những quyết định kỹ thuật quan trọng. Có thể nói, xe tời địa vật lý chính là “con mắt” giúp nhìn sâu vào lòng đất - công cụ không thể thiếu trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí.

Cùng với đó là máy nén khí YKII-80 có thiết kế ba cấp nén bằng hệ thống piston, vận hành bằng động cơ diesel, làm mát bằng nước và dầu tuần hoàn. Đây là thiết bị chuyên dụng để nén khí áp suất cao lên đến 80 at, phục vụ các công đoạn gọi dòng, thử kín, làm sạch đường ống hoặc duy trì áp suất trong các giếng chuẩn bị khai thác.

Máy nén khí YKII-80 có thiết kế ba cấp nén bằng hệ thống piston, hoạt động bằng động cơ diesel, làm mát bằng nước và dầu tuần hoàn.
Trong quá trình “gọi dòng” - kỹ thuật dùng khí nén đẩy chất lỏng trong giếng lên bề mặt - thiết bị này có thể nén từng “nút khí” xen kẽ giữa các tập nước, giúp dòng khí trong giếng thoát lên mà không cần hệ thống hút cơ học. Ngoài ra, máy nén khí YKII-80 còn được sử dụng để thử áp suất đường ống dẫn khí, cũng như thổi khô các giếng khoan có đường kính nhỏ (123 mm) với chiều sâu đến 1.200 m.

Dù đã hơn 50 năm tuổi, hệ thống máy nén khí này vẫn có thể vận hành ổn định, với cơ chế điều áp, kiểm soát áp lực và làm mát ba tầng, một thiết kế kỹ thuật bền bỉ, mang đậm dấu ấn kỹ thuật Liên Xô.

Điều đáng trân trọng là cả bốn thiết bị trên vẫn được bảo dưỡng đều đặn, không chỉ với mục tiêu trưng bày, mà còn luôn sẵn sàng vận hành trong các tình huống đặc biệt như xử lý giếng cũ, diễn tập kỹ thuật, đào tạo tay nghề cho kỹ sư trẻ. Sự hiện diện của những "cỗ máy thép" trong Khu lưu niệm Dầu khí không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, mà còn là nền tảng kỹ thuật của ngành dầu khí Việt Nam, được xây dựng từ bàn tay, trí óc và tinh thần vượt khó của các thế hệ đi trước.

Giữa không gian yên bình của vùng đất Tiền Hải hôm nay, những “cỗ máy thép” ấy vẫn nằm đó trầm mặc, bền gan như những nhân chứng sống động cho một thời mở đất, mở mỏ, khai sinh ngành công nghiệp trụ cột của đất nước.

Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 1: Dấu ấn từ lòng đất Tiền Hải
Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 2: Dòng chảy ký ức qua những tư liệu và hình ảnh lịch sử
Đình Khương - Trần Trung