 |
Các cựu chiến binh lần đầu đến thăm Trường Sa
|
Ông Đinh Văn Sơn, Thành viên Hội đồng Thành viên, Ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh (CCB) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam: Trường học của thế hệ trẻ
Tôi là cựu sinh viên khoá 2, Khoa Hoá dầu, Trường Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội, khoá học từ năm 1978-1983. Tốt nghiệp khoá học, tôi được điều về Công ty Dầu khí 1, tham gia nghiên cứu, khảo sát dầu khí ở Thái Bình. Năm 1984, trước yêu cầu của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, tôi lên đường nhập ngũ, được biên chế vào đơn vị thông tin thuộc trung đoàn 957, Sư đoàn 431, Quân khu Tả Ngạn, làm tiểu đội trưởng, sau đó bổ nhiệm làm trợ lý quân khí. Đến năm 1986 thì tôi được phục viên, với chuyên ngành đã học nên trở về Tổng cục Dầu khí. Là cán bộ gắn bó với ngành trong giai đoạn đầu đổi mới của đất nước và ít nhiều trải qua kinh nghiệm chiến trường, tôi nhận thấy phẩm chất người lính có những nét ưu việt, phù hợp với đặc thù ngành dầu khí đòi hỏi những kỹ năng và ý thức tổ chức kỷ luật rất cao. Chuyến công tác thăm và làm việc trên huyện đảo Trường Sa lần này không chỉ có ý nghĩa đối với các cựu chiến binh Tập đoàn mà còn là trường học thực tiễn vô giá đối với lớp trẻ của Tập đoàn hôm nay để lớp trẻ tiếp tục rèn luyện ý chí, bản lĩnh, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
 |
Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thăm đảo Đá Lớn
|
Ông Vũ Văn Nam, nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam: Nhớ những ngày “khai thiên lập địa”
Năm 1971, đang là sinh viên Khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi nóng bỏng của chiến trường. Đơn vị tôi chiến đấu là Trung đoàn Pháo binh 24, thuộc Quân đoàn 4. Trong một trận đánh ở Phước Long, tôi bị thương. Hoà bình, năm 1976, tôi được rời tay súng, trở về giảng đường tiếp tục học tập, sau đó về Tổng cục Dầu khí nhận công tác. Quãng thời gian tôi về ngành dầu khí cũng là thời kỳ “khai thiên lập địa”, vô cùng gian khổ của ngành. Là cán bộ văn phòng, giúp việc cho những lãnh đạo cấp cao của Tổng cục nhưng chúng tôi vẫn phải tham gia mọi lao động tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, xây dựng hạ tầng. Tôi nhớ có năm, chúng tôi phải về huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam cấy lúa tăng gia, cải thiện. Sáng ấy, tôi được giao nhiệm vụ dậy sớm, nấu mì cho cả đơn vị. Hà Nam khi đó là vùng chiêm trũng chua phèn, nơi đâu cũng có đỉa. Nước ăn cũng múc từ giếng đầy đỉa. Tôi dậy sớm múc nước về nấu mì cho cả đơn vị, đến khi ăn xong, các cô gái mới thét lên vì đáy xoong có tới gần chục con đỉa no tròn đã chín mọng. Lúc này, ai nấy mới thi nhau nôn oẹ.
 |
Đồng chí Vũ Văn Nam kể chuyện những ngày đầu xây dựng ngành dầu khí
|
Trên chuyến tàu đi thăm Trường Sa lần này, gặp lại cuộc sống trên đảo của các chiến sĩ Hải quân với bộn bề gian khó, tôi lại nhớ đến một thời khai thiên lập địa của ngành dầu khí. Tôi sẽ nói với các em, các cháu đi sau hiểu những nhọc nhằn ấy để có nhận thức đúng đắn, luôn vượt lên mọi khó khăn.
Ông Lê Hoà Bình, Chủ tịch Công đoàn Công ty PV Oil: Chuyến đi Trường Sa giúp tôi hiểu rõ hơn hiệu quả của đồng vốn ngân sách đầu tư cho quốc phòng
Năm 1972, chiến trường miền Nam kêu gọi, tôi nhập ngũ , tham gia chiến đấu ở Công trường số 5, nay là Sư đoàn 5(Quân khu 7), là bộ đội pháo cao xạ chiến đấu trên nhiều chiến trường. Hoà bình, tôi trở về thi đỗ vào Đại học Tài chính (nay là Học viện Tài chính), sau đó đầu quân cho Công ty Vidamo, chuyên về “dầu, mỡ, nhờn”. Gắn bó với ngành tài chính là với chuyện “đồng tiền bát gạo”, những yếu tố then chốt để doanh nghiệp phát triển bền vững. Chuyến đi Trường Sa lần này đã giúp tôi hiểu rõ hơn hiệu quả của đồng vốn ngân sách đầu tư cho quốc phòng, thấy được sự tận tuỵ, ý thức tiết kiệm của người lính. Tôi nghĩ, đó vẫn là những bài học chưa bao giờ cũ đối với mỗi cán bộ, công nhân viên ngành dầu khí, một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước nhưng cũng vẫn rất cần sự chắt chiu, sử dụng tốt nhất từng đồng vốn.
Nguyên Minh - Trường Giang
(Theo Quân đội Nhân dân)