Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất châu Á, với hơn 3.400 km bờ biển, hệ thống gió mùa ổn định và tổng tiềm năng kỹ thuật ước đạt 1.068 GW (ở độ cao 100m). Trong đó, vùng biển phía Nam chiếm gần 900 GW - hội tụ điều kiện gió và quy mô vượt trội. Riêng khu vực ven bờ có độ sâu dưới 50m - phù hợp cho móng cố định - có thể khai thác tới 57,8 GW, nổi bật là các cụm Bạc Liêu - Cà Mau và Ninh Thuận - Bình Thuận. Vùng biển sâu hơn cũng mở ra dư địa cho công nghệ móng nổi, phù hợp với xu thế đang phát triển tại nhiều quốc gia phát triển.
Được xác định là nguồn năng lượng chiến lược, điện gió ngoài khơi không chỉ đóng vai trò trong bảo đảm an ninh năng lượng, còn mang bản chất của một ngành kinh tế biển tổng hợp, có khả năng tạo ra chuỗi giá trị công nghiệp từ chế tạo thiết bị, vận hành - bảo trì, dịch vụ hậu cần đến xuất khẩu công nghệ. Thực tiễn từ các quốc gia như Vương quốc Anh, Đan Mạch, Đức hay Na Uy cho thấy, điện gió ngoài khơi có thể trở thành động lực tăng trưởng mới. Tại Việt Nam, mục tiêu phát triển 6.000 MW điện gió ngoài khơi đến năm 2030 được dự báo sẽ tạo ra khoảng 55.000 việc làm, thúc đẩy các lĩnh vực liên quan như cơ khí, điện - tự động hóa, logistics, an toàn và dịch vụ biển. Với nền tảng tài nguyên dồi dào và nhu cầu năng lượng xanh toàn cầu gia tăng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội kiến tạo một ngành công nghiệp chiến lược mới mang tầm quốc gia.
Với nền tảng tài nguyên dồi dào và nhu cầu năng lượng xanh toàn cầu gia tăng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội kiến tạo ngành công nghiệp điện gió chiến lược tầm vóc quốc gia.
Cơ hội này đang dần chuyển thành thực tiễn. Năm 2025, PTSC - đơn vị thành viên của Petrovietnam - đã chế tạo và xuất khẩu thành công 33 chân đế trụ điện gió ngoài khơi cho dự án điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b & 4 tại vùng biển Đài Loan (Trung Quốc), với tổng giá trị hợp đồng khoảng 300 triệu USD. Đến nay, PTSC cũng đã trúng thầu hơn 10 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất phát điện là 5,2 GW, tổng giá trị hợp đồng hơn 1,2 tỷ USD, tại các thị trường châu Á và cả châu Âu. Đây là những bước tiến đầu tiên của một doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung ứng thiết bị cho thị trường điện gió toàn cầu, khẳng định năng lực chế tạo kết cấu siêu trường - siêu trọng và bước đầu hội nhập vào chuỗi cung ứng quốc tế.
Không chỉ là nguồn cung năng lượng, điện gió ngoài khơi còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của hàng loạt ngành công nghiệp hỗ trợ như cơ khí chế tạo, cảng biển kỹ thuật cao, công nghiệp nặng, tài chính xanh và đào tạo nhân lực công nghệ cao. Với vị trí địa lý liền kề các thị trường tiêu thụ điện lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore..., Việt Nam còn có tiềm năng trở thành trung tâm xuất khẩu điện sạch của khu vực, hoặc sản xuất hydro xanh từ nguồn điện tái tạo trên biển. Vì vậy, phát triển điện gió ngoài khơi cần được nhìn nhận không chỉ là một phần trong chiến lược năng lượng, mà còn là một mũi nhọn chiến lược trong chính sách phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cánh cửa thể chế dần rộng mở
Thời gian gần đây, khung pháp lý cho phát triển điện gió ngoài khơi đã từng bước được hoàn thiện, tạo nền tảng quan trọng cho việc hình thành một ngành công nghiệp năng lượng biển hiện đại tại Việt Nam.
Quy hoạch điện VIII (điều chỉnh), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2023, đã xác định rõ định hướng phát triển điện gió ngoài khơi với mục tiêu đạt 6.000 MW đến năm 2030, đồng thời đặt tầm nhìn xa hơn với 70-91 GW vào năm 2050, tương đương khoảng 15% tổng công suất nguồn điện quốc gia.
Kế tiếp đó, Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực từ tháng 2/2025 và Nghị định 65/2025/NĐ-CP của Chính phủ ban hành tháng 3/2025 đã tạo hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư thực hiện khảo sát, lập dự án điện gió ngoài khơi. Kể từ ngày 2/5/2025, các tổ chức, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đăng ký khảo sát đáy biển, đánh dấu bước chuyển quan trọng từ định hướng chiến lược sang hoạt động thực tiễn.
Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các doanh nghiệp đầu ngành để trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2025. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn giao Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất cơ chế phát triển phù hợp, trong đó có cơ chế giá điện dài hạn, ổn định, nhằm thu hút vốn đầu tư và bảo đảm tính khả thi cho ngành công nghiệp năng lượng biển.
Bên cạnh các chính sách ngành điện, hệ thống chính sách liên quan như quy hoạch không gian biển, định hướng phát triển kinh tế biển tổng hợp, hạ tầng cảng biển và logistics cũng đang từng bước được tích hợp với mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi, tạo tiền đề thuận lợi cho việc triển khai các dự án trong giai đoạn tới.
Có thể thấy, hệ thống thể chế hiện hành không chỉ đang nỗ lực mở đường cho các nhà đầu tư tiếp cận nguồn tài nguyên gió trên biển, mà còn định hình một môi trường chính sách mang tính hỗ trợ dài hạn, tạo niềm tin và động lực cho quá trình hình thành ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam.
Trợ lực từ quốc tế và dẫn dắt bằng nội lực quốc gia
Các chân đế trụ điện gió được chế tạo tại Trung tâm Công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC.
Sự chuyển dịch năng lượng toàn cầu đang mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và các quốc gia, tổ chức quốc tế trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Với cam kết mạnh mẽ tại COP26 và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam đang trở thành một điểm đến ưu tiên cho các chương trình tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật từ các nền kinh tế phát triển.
Các tổ chức quốc tế như UNDP, Ngân hàng Thế giới (WB), GIZ (Đức), Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) đã tích cực đồng hành cùng Việt Nam trong việc khảo sát tài nguyên gió biển, xây dựng bản đồ gió quốc gia và đề xuất mô hình phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế của Việt Nam. Một trong những kết quả quan trọng là báo cáo tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam do Cục Khí tượng Thủy văn phối hợp với UNDP và Đại sứ quán Na Uy vừa công bố vào tháng 4/2024, xác lập nền tảng khoa học cho việc lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng và vận hành khai thác năng lượng tái tạo nói chung, điện gió nói riêng.
Ở cấp độ chính phủ, nhiều quốc gia đối tác đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển điện gió ngoài khơi. Đại sứ Đan Mạch đánh giá điện gió ngoài khơi là cơ hội kép tuyệt vời cho Việt Nam, gọi đây là “một cơ hội để cung cấp nguồn năng lượng xanh có chi phí hiệu quả cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước”, đồng thời khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tại Hội nghị COP26. Đại sứ Na Uy cũng từng khẳng định cam kết trong việc đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình chuyển đổi xanh. Trong khi đó, Vương quốc Anh tiếp tục là đối tác tin cậy đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình phát triển xanh, thông qua các chương trình như Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), phát triển năng lượng sạch, tài chính xanh, chuyển đổi số trong các lĩnh vực giao thông và năng lượng.
Ở khối doanh nghiệp, hàng loạt tập đoàn năng lượng lớn như Ørsted, Equinor, Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), Vestas, Siemens Gamesa, GE, Wärtsilä đã thiết lập hợp tác với Việt Nam. Nhiều bản ghi nhớ hợp tác (MoU) đã được ký kết với Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), mở ra cơ hội chuyển giao công nghệ móng trụ, tuabin siêu công suất (14-20 MW), hệ thống điều khiển - giám sát ngoài khơi và các giải pháp lắp đặt phù hợp với điều kiện biển Việt Nam.
Khi khung chính sách đang dần hoàn thiện, năng lực kỹ thuật được nâng cao và các đối tác quốc tế sẵn sàng đồng hành, Việt Nam đang hội tụ đầy đủ điều kiện để chủ động hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu về năng lượng tái tạo.
Để hiện thực hóa quyết tâm phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, Việt Nam đang từng bước xây dựng lộ trình hành động tổng thể: từ quy hoạch dài hạn, chính sách ổn định, hạ tầng đồng bộ, cùng sự tham gia của các lực lượng đủ năng lực triển khai. Trong tiến trình đó, vai trò dẫn dắt thị trường và kết nối hệ sinh thái công nghiệp sẽ cần được trao cho những doanh nghiệp đầu tàu, có đủ tiềm lực và kinh nghiệm - xứng đáng với tầm vóc quốc gia.
(còn tiếp)...
Trúc Lâm